Trang chủ

Vòng Sáng Ngũ Sắc (Hay Hiện Tượng Bão Mặt Trời) Tuyệt Đẹp Tại Lễ Phật Đản Chùa Quan Âm – Q.12

Bình luận về bài viết này

This slideshow requires JavaScript.

Đức Nhiếp Chính Vương Khamtrul Rinpoche Làm Lễ Quán Đảnh Đức Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn Tại Chùa Quan Âm Ngày 21/11/2011

Bình luận về bài viết này

This slideshow requires JavaScript.

 

 

 

 

Nguồn : DrukpaVN

Tăng Ni Phật Tử Chùa Châu An Và Hành Trình Làm Từ Thiện

Bình luận về bài viết này

10 năm qua, phật tử của chùa phát triển đông đến đâu cùng phát tâm từ bi tới đó, đồng lòng hướng về các hoạt động lợi ích cho xã hội

Đặt chân vào phòng khách của chùa Châu An có thể thấy rất nhiều bằng khen và giấy khen của các ban ngành thành phố và Trung ương trao tặng về công tác từ thiện. 10 năm tu tập, các Tăng, Ni, Phật tử của chùa Châu An do Thích nữ Lệ Phát trụ trì đã đồng hành với biết bao chuyến đi làm từ thiện. Ngày 21/1/2010, chùa Châu An đã tổ chức đại lễ kỷ niệm 10 năm hoạt động từ thiện và tu tập (7/1/1999 – 7/1/2009 âm lịch).

Nương theo hạnh nguyện cứu khổ cứu nạn của Bồ Tát, Phật tử của chùa phát triển đông đến đâu cùng phát tâm từ bi tới đó, đồng lòng hướng về các hoạt động lợi ích cho xã hội: tặng lương thực, thực phẩm, cung cấp vật liệu lợp mái nhà cho đồng bào bị thiên tai, lo vở học sinh và bút viết cho nhà trường vùng lũ…

Diễn viên Việt Trinh cùng với Ban Từ Thiện chùa Châu An chuẩn bị các phần quà cho các học viên Trung Tâm Cai Nghiệm tỉnh Bình Phước

Nhìn lại 10 năm qua, không thể kể hết những tấm lòng từ bi của các Tăng, Ni, Phật tử của chùa Châu An. Họ đã phát tâm Bồ Tát biến những giấc mơ của người nghèo thành sự thực. Mỗi chuyến đi, họ mang đến cho bà con nông dân nghèo những món quà là những sản phẩm có giá trị, thiết thực với bà con để họ có điều kiện sản xuất tự ổn định đời sống bằng sức lao động của chính mình, như: Xe tải nhẹ, máy cưa, hàng trăm máy may công nghiệp, máy vi tính.

Để các thành viên Trung tâm Cai nghiện của Thanh niên xung phong nằm trên địa bàn kinh tế mới Hà Nội ở huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) có điều kiện sản xuất phù hợp với xu thế công nghiệp hóa, các tăng ni, phật tử chùa Châu An đã tặng 20 máy vi tính, 50 chiếc xe đạp, 2 tĩnh tâm đường, 1 trại nuôi nấm, 1 miếu thờ để sưởi ấm vong linh các học viên bạc mệnh.

Đặc biệt vào ngày rằm hàng tháng, có gần nửa triệu bệnh nhân ung bướu đến chùa Châu An trì chú Đại Bi và niệm Phật, được chùa phát tiền, quà, bánh hoặc sữa đến từng người.

Ni Sư Thích Nữ Lệ Phát thay mặt Ban Từ Thiện chùa Châu An nhận bằng khen của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng

 Với bà con nghèo vùng sông nước miền Tây, ban từ thiện chùa Châu An đã tặng 800 chiếc xuồng, 10 giếng nước để tạo nguồn nước sạch cho bà con;  tặng 100 căn nhà tình thương, 50 giàn máy dệt chiếu cói cho 50 gia đình người Khmer ở Kiên Giang; 50 người tàn tật ở Long An có xe lăn để đi lại dễ dàng; 500 người nghèo hỏng mắt được mổ để có lại ánh sáng; Ban Từ thiện của chùa cũng phối hợp với Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam sang Campuchia tặng tiếp 100 xuất mổ mắt.

Nương theo hạnh nguyện cứu khổ cứu nạn của Bồ Tát, Phật tử của chùa phát triển đông đến đâu cùng phát tâm từ bi tới đó, đồng lòng hướng về các hoạt động lợi ích cho xã hội

Hưởng ứng chương trình 3 giảm của Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh, Ban từ thiện của chùa Châu An tổ chức đến thăm và tặng quà cho các Trung tâm cai nghiện và trung tâm điều trị bệnh tâm thần, Trung tâm nuôi dưỡng người già đơn độc.

Trong buổi lễ tổng kết, Hòa thượng Thích Như Niệm – Ủy viên thường trực Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam – thường trực Ban Từ thiện Xã hội Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đến tham dự đánh giá cao những việc làm của các tăng, ni, phật tử chùa Châu An. 10 năm qua, chùa Châu An đã chấp hành đúng những quy định của pháp luật Nhà nước ta và đường lối của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, phát huy truyền thống đoàn kết nội bộ, đoàn kết giữa tôn giáo và đời để làm tốt Phật sự, từ đó phát triển rất tốt công tác từ thiện.

Nguyễn Thị Ngọc Trâm

Tấm Lòng Cao Cả Của Một Ni Sư

Bình luận về bài viết này

Ở tuổi 70, giữa lúc nhiều người mỏi gối chồn chân, an hưởng tuổi già thì ni sư Thích Nữ Lệ Phát, trụ trì chùa Châu An (quận Gò Vấp) vẫn tận tâm giúp đỡ, cưu mang những phận người khốn khó. Những ngày này, hung tin nước lũ dâng cao lấy đi nhiều mạng người, nhấn chìm hàng ngàn nhà dân ở tỉnh Đồng Tháp càng khiến bước chân vì người nghèo của ni sư Lệ Phát thêm tất bật!

Với tâm niệm “Trong cái cảnh thiếu ăn thiếu mặc, người nghèo lại hay gặp chuyện xúi quẩy, tang thương nên cảnh sống cơ hàn càng thêm trĩu nặng. Để thoát khỏi cảnh nghèo, bà con rất cần sự chung tay góp sức, san sẻ của cộng đồng”, nhiều năm qua ni sư Lệ Phát đã nỗ lực kết nối hàng ngàn tấm lòng từ bi với các vùng quê, phận người khốn khổ. Nói về biệt danh “3 giảm” của ni sư Lệ Phát, chị Thu Mai, người nhiều năm qua lặng lẽ hỗ trợ, đồng hành cùng Ban từ thiện chùa Châu An cho biết: “Biệt danh ấy bắt nguồn từ việc UBND TP. Hồ Chí Minh phát động chiến dịch 3 giảm “mại dâm, ma túy và tệ nạn xã hội”. Là người tu hành nhưng ni sư Lệ Phát không đứng ngoài cuộc. Trong lúc các chiến sĩ công an xông pha truy bắt người phạm tội thì ni sư lặng lẽ đến các trung tâm, trường trại cai nghiện, hết lòng giác ngộ, giúp đỡ những thanh niên lỡ lầm, nghiện ma túy có niềm tin, điểm tựa vững chắc đặng tu dưỡng, quyết tâm làm lại cuộc đời”.

Ni sư Lệ Phát nhận thư tri ân của lãnh đạo MTTQ thị xã Hồng Ngự vì cái tâm mà ni sư dành cho người dân vùng lũ

Ni sư xây dựng các tĩnh tâm đường trong khuôn viên các trường trại để học viên cai nghiện có nơi tĩnh tâm. Rồi ni sư vận động kết nối gần xa hỗ trợ máy móc, phương tiện dạy nghề cho học viên cai nghiện để mai này khi hòa nhập với cộng đồng họ có thể kiếm tìm công ăn việc làm ổn định, từ đó mà đoạn tuyệt với những cạm bẫy tệ nạn…

Từ bên phải qua : TT. Thiện Chiếu, Ni sư Lệ Phát, Phật tử Diệu Tịnh, ĐĐ.Thích Nhật Từ đang trao tặng những chiếc máy niệm Phật cho các vị ở trung tâm tại Tân Hiệp

Không chỉ tâm huyết với sự nghiệp “trồng người”, ni sư Thích Nữ Lệ Phát còn dành sự yêu thương cho nhiều phận người cơ hàn, khốn khó. Bà Tuyết Hoa, cán bộ hưu trí ngành giáo dục, thành viên Ban từ thiện chùa Châu An, cho biết: “Ni sư Lệ Phát cũng đặc biệt quan tâm đến cuộc sống của các cụ già, em nhỏ, người khuyết tật ở những trung tâm xã hội, trại tâm thần. Trong lúc người ta sống quây quần cùng người thân thì những số phận không may này chẳng nơi nương tựa. Để bù đắp cho họ, ni sư Lệ Phát thường đến thăm, tặng quà, tổ chức cho họ ăn ngon. Hầu như các trung tâm, trường trại tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long ni sư Lệ Phát đều có mặt”.

Từ sự kết nối nhiều tấm lòng thơm thảo của ni sư Lệ Phát, người dân vùng lũ Hồng Ngự đã được chia sẻ, giúp đỡ rất nhiều

Còn nhớ hôm đón đoàn từ thiện cứu trợ khẩn cấp cho bà con vùng lũ ở thị xã Hồng Ngự vào đầu tháng, nơi chịu nhiều thiệt hại do nước lũ dâng cao, khi tiếp nhận tấm lòng và quà tặng gồm tiền mặt và nhu yếu phẩm, đại đức Thích Minh Bửu (Ban đại diện Phật giáo thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) xúc động bày tỏ: “Lũ năm nay diễn biến bất thường, nước dâng cao phá vỡ nhiều đoạn đê bao, nhấn chìm hơn 2.000 ngôi nhà trong biển nước. Dù địa phương chưa phát động kêu gọi nhưng biết được thông tin qua theo dõi các phương tiện truyền thông, ni sư Lệ Phát đã đưa đoàn đến giúp đỡ, tặng quà cho hơn 300 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn ở Hồng Ngự. Ni sư còn chu đáo tặng áo phao cho trẻ em, giúp các em tránh những tai nạn do nước lũ cuốn trôi…”.

Ni sư Lệ Phát (áo nâu) và đoàn cứu trợ tại Phú Yên

Ni sư Thích Nữ Lệ Phát nói về chuyến đi cứu trợ đồng bào lũ lụt ở Đồng Tháp và một số tỉnh miền Trung: “Cứu người, giúp người như cứu hỏa, mình chậm trễ ngày nào là bà con đói lạnh ngày ấy. Những chuyến đi sắp tới cùng với nhu yếu phẩm, quần áo ấm, tập vở, áo phao cho các cháu học sinh, Ban từ thiện chùa Châu An sẽ cố gắng hỗ trợ bà con vùng lũ mỗi hộ một chiếc xuồng để bà con có phương tiện đi lại và kiếm tìm sinh kế nuôi sống gia đình. Giá mỗi chiếc xuồng chỉ xấp xỉ một triệu đồng nhưng với nhiều gia đình nghèo ở vùng lũ là tài sản khó với tới”.

Lặng bước trên con đường từ bi từ năm 1999 đến nay, ni sư Lệ Phát đã tặng hàng ngàn áo phao, chiếc xuồng cho người dân vùng lũ. Đã giúp rất nhiều gia đình nghèo an cư lập nghiệp, giúp nhiều người khiếm thị tìm lại ánh sáng của đời mình, giúp bao nhiêu xe lăn cho người khuyết tật… Khó khăn, vất vả nhưng ni sư khiêm tốn tâm sự rằng mình chỉ làm một cầu nối tình thương. 

CA.TPHCM


Thầy Tôi – Đại Đức Thích Thiện Từ

Bình luận về bài viết này

Chuông chùa một tiếng ngân dài lặng chìm vào trong đêm trường tĩnh mịch. Gió rít trên nóc chùa làm thức giấc tiếng phong linh. Tiếng mỏ công phu trong đêm khuya như làm cho lòng bỗng nhiên bồi hồi thương nhớ, cho những kỉ niệm thật hiền lành làm man mác chút ưu tư. Thầy Tôi cất tiếng trì tụng Thần Chú Đại Bi.

 Thầy Tôi tuy còn trẻ mới 37 tuổi nhưng mộc mạc như “ông già thôn quê” chất phác với áo nâu sòng, đôi dép cũ đã mòn vì cát bụi thời gian. Thầy Tôi giọng nói trầm ấm thâm vang, dạy dỗ chúng tôi học hạnh lắng nghe, lắng nhìn của Bồ Tát Quán Thế Âm và trì tụng Mật Chú Đại Bi để hồi hướng công đức vô lượng của Thần Chú này đến khắp muôn loài chúng sanh.

Thầy Tôi lúc nào cũng vì mọi người, cả cuộc đời Người chỉ dành cho việc hướng dẫn mọi người tu hành và trì tụng Mật Chú Đại Bi

 Thầy Tôi ánh mắt nghiêm nghị nhưng thật hiền từ, đôi khi chỉ nhìn mắt Người chúng tôi thầm hiểu rằng Thầy vui hay có ý không vừa lòng vì những việc làm hay lối suy nghĩ của chúng tôi. Thầy Tôi lúc nào cũng vì mọi người, cả cuộc đời Người chỉ dành cho việc hướng dẫn mọi người tu hành và trì tụng Mật Chú Đại Bi với hạnh nguyện giúp cho các Phật Tử diệt trừ mọi hành vi của “Tam Độc” là tham, sân, si; và diệt trừ được nghiệp “vô minh”, chứng ngộ được lòng yêu thương vô bờ bến của Đại Bi Tâm, hòa nhập vào lời trì tụng cùng thể nhập vào pháp giới, mười phương chư Phật, khiến được sanh lòng hoan hỷ của Bồ Tát Quán Thế Âm.

 Thầy Tôi không bao giờ nghĩ đến việc riêng tư. Thầy Tôi tu pháp môn Mật Chú Đại Bi chuyên tâm trì tụng và niệm Phật A Di Đà, luôn luôn phát tâm nguyện cầu thế giới của Đức Di Đà và Quán Thế Âm Bồ Tát sẽ là nơi đến của tương lai. Người dạy chúng tôi trì chú, niệm Phật với câu nói thật dễ gần làm chúng tôi nhớ thương: “Này các Phật Tử thân thương trong Đạo Tràng ! Trì chú và tu về Tịnh Độ sướng hơn Tiên; Chẳng nhọc công phu, chẳng tốn tiền; Đại Bi và sáu chữ Di Đà cần phải nhớ; Tâm luôn chánh niệm sớm về Tây Phương…”. Thầy Tôi mộc mạc là như thế.

Thầy Tôi tu pháp môn Mật Chú Đại Bi chuyên tâm trì tụng và niệm Phật A Di Đà, luôn luôn phát tâm nguyện cầu thế giới của Đức Di Đà và Quán Thế Âm Bồ Tát sẽ là nơi đến của tương lai

 Thầy Tôi dạy chúng tôi thành người Phật Tử chân chính trong chuyện ăn, nết mặc trong ngôn ngữ từ bi. Vì muốn chúng tôi hiểu thế nào là Giải Thoát Phục và học hạnh của Quán Thế Âm là biết lắng tai nghe cho cuộc đời bớt khổ. Quán Thế Âm là trái tim biết nghe và biết hiểu. Chúng con xin tập ngồi nghe với tất cả sự chú tâm và thành khẩn của chúng con. Chúng con xin tập ngồi nghe với tâm không thành kiến. Chúng con xin tập ngồi nghe mà không phán xét, không phản ứng. Chúng con xin nguyện ngồi nghe để hiểu. Chúng con xin nguyện ngồi nghe chăm chú để có thể hiểu dược những điều đang nghe và cả những điều không nói. Chúng con biết chỉ cần lắng nghe thôi, chúng con cũng đã làm vơi bớt rất nhiều khổ đau của kẻ khác rồi…

Có lẽ niềm vui lớn nhất của Thầy Tôi là thấy mỗi ngày phát cơm từ thiện hàng tháng lại có rất nhiều Phật Tử cùng đến chung tay “hùn phước” công quả

 Thầy Tôi ban đêm ngủ ngồi, ngày không thọ thực cơm, cháo như bao nhiêu Tăng sĩ khác, mà chỉ độ bằng rau luộc hoặc trái cây. Người dạy chúng tôi không làm mà có cơm ăn nên luôn nhớ đến công ơn người làm ra lúa gạo, cho nên một hạt cũng chứa đựng biết bao công sức mồ hôi của người nông dân, “một hạt cơm vàng chin giọt mồ hôi”. Chúng con thường nghe Chư Tăng, Ni khi ngồi trên Quá Đường đọc lời phục nguyện: “Nhật thực tam san mỗi niệm nông phu chi khổ” chúng con thấm thía hơn nhiều lời Thầy dạy trong lúc thọ thực qua những chuyến hành trì Mật Chú trên khắp mọi miền đất nước từNam, Trung ra Bắc.

 Thầy Tôi như thấm sâu hiểu nhiều về nỗi buồn đau của nhân thế, suốt bao năm trường tôi sống với Người chưa bao giờ thấy Thầy bận việc riêng. Sáng ra là lao vào công tác Phật sự, lo phụ nấu ăn cho những bữa cơm từ thiện, chăm sóc các chú điệu nhỏ, trợ niệm cho những người sắp mất. Từ thiện giúp đỡ người bị nạn hay đói nghèo. Mùng 1 đến mùng 7 hàng tháng phải về Tổ đình Châu An cùng với sư phụ Ni Sư Thích Nữ Lệ Phát hướng dẫn gần 500 Phật tử hành trì Mật Chú Đại Bi, rồi lại tiếp tục hướng dẫn hằng trăm bệnh nhân Bệnh Viện Ung Bứu đến trì tụng Mật Chú Đại Bi giúp cho họ sớm giác ngộ và nương nhờ công đức đó, họ được sống trong niềm vui an lạc và tình thương yêu của Bồ Tát Quán Thế Âm. Khi trở về chùa ngồi tính toán sắp xếp công tác hướng dẫn Đạo Tràng đi hành trì Mật Chú Đại Bi cho các chùa nào theo lời thỉnh cầu của các vị Trụ Trì mong “Đốt Đuốc Đại Bi” cho bổn tự của quý Ngài…

 Sao mà Thầy Tôi tài thế, không biết buồn không biết chán hay sao ? Thời gian theo Thầy hành trì Mật Chú tại các chùa bất kể giờ giấc, thường xuyên ngủ đêm trên xe, có khi lội bộ trong đêm hàng ba, bốn cây số mới tới ngôi chùa miền quê nghèo để “Đốt Đuốc Đại Bi”, đến khi hoàn mãn nhìn lại đồng hồ đã hơn 2 giờ sáng… Giờ đây khi chiêm nghiệm chúng con mới biết thế nào là hạnh an trụ của người xuất gia với câu “Bồ đề diệu pháp biến trang nghiêm, tùy sở trụ xứ thường an lạc”, thế nào là học hạnh của Bồ Tát vì cứu khổ chúng sanh mà quên đi thân mình.

Thời gian theo Thầy hành trì Mật Chú tại các chùa bất kể giờ giấc, thường xuyên ngủ đêm trên xe, có khi lội bộ trong đêm hàng ba, bốn cây số mới tới ngôi chùa miền quê nghèo để “Đốt Đuốc Đại Bi”, đến khi hoàn mãn nhìn lại đồng hồ đã hơn 2 giờ sáng…

 Thầy Tôi học không nhiều nhưng hiểu thấu “Tánh không pháp giới”, Người chuyên tu đạt đến “Mật Hạnh Du Già”. Khiêm tốn giản dị, ân cần chất phác, nói được làm được luôn là hạnh tu mà Người thường dạy chúng tôi. Có những điều Người nói cho đến nhiều năm sau mới thành hiện thực. Có những điều Người làm cho đến bây giờ mọi người mới vỡ lẽ ra. Phật Pháp nhiệm mầu từ sự tu trì của Người làm chúng tôi chợt sáng; công năng của Tam Bảo từ sự vận dụng của Người làm chúng tôi tỏ ngộ; thế đế Phật duyên từ sự không chướng ngại của Người làm chúng tôi nhận ra sự chân thật. Kiền thành kính lễ Phật Pháp Tăng Bảo là pháp tu nhiệm mầu mà Người dạy chúng tôi với câu “Thâm tín Chư Phật giai sung mãn”.

Đã bao lần ngồi uống trà với Thầy nhưng sao hôm nay bỗng thấy lòng an vui tha thiết. Vì hôm nay, một ngày đặc biệt, Thầy Tôi được Chư Tôn Thiền Đức trao quyết định bổ nhiệm làm “Trụ Trì Chùa Quan Âm”

 Thời gian trôi qua nhanh quá, ngày nào còn làm điệu trụ xứ tại ngôi Tổ đình Châu An, hôm nay Thầy Tôi được bổ nhiệm làm Trụ Trì Chùa Quan Âm. Những bài học ngày nào Ni Sư Thích Nữ Lệ Phát dạy, nay vẫn còn nguyên giá trị và nó vẫn còn được truyền thừa cho đến mãi về sau. Vì những bài học này là lẽ sống, là tình thương, là mối tương quan của cuộc sống hang ngày, là giá trị đích thực của Đạo mầu giải thoát, là ân tình của bao nhiêu thế hệ, là ngọn nguồn trí tuệ của Thiền Môn, là lối ứng xử của người Sa Môn Thích Tử, là nẻo đường an lạc dẫn đến cõi Tâm không.

Những bài học ngày nào Ni Sư Thích Nữ Lệ Phát dạy, nay vẫn còn nguyên giá trị và nó vẫn còn được truyền thừa cho đến mãi về sau. Vì những bài học này là lẽ sống, là tình thương, là mối tương quan của cuộc sống hang ngày

 Tiếng bảng “Hòa Nam” lặng chìm trong sương sớm. Tiếng chuông khuya cuối cùng im bặt giữa trời không. Cuộc sống Thiền Môn lại bắt đầu ửng nắng. Từng giọt hồng ban sáng lấp lánh trên mái hiên chùa. Tôi rót một chén trà mời Thầy Tôi. Ánh trà sóng sánh như ánh mắt Thầy đang cười , làn khói hương trà như Thầy Tôi đang nói, vị trà chan chat thấm ngọt tận cõi lòng như tình Thầy Tổ trọn tròn trong kí ức. Đã bao lần ngồi uống trà với Thầy nhưng sao hôm nay bỗng thấy lòng an vui tha thiết. Vì hôm nay, một ngày đặc biệt, Thầy Tôi được Chư Tôn Thiền Đức trao quyết định bổ nhiệm làm “Trụ Trì Chùa Quan Âm”

Tiếng bảng “Hòa Nam” lặng chìm trong sương sớm. Tiếng chuông khuya cuối cùng im bặt giữa trời không. Cuộc sống Thiền Môn lại bắt đầu ửng nắng. Từng giọt hồng ban sáng lấp lánh trên mái hiên chùa.

 Một ngày mới bắt đầu cho buổi lễ tiếp đón Chư Tôn Thiền Đức và các Phật Tử về dự lễ bổ nhiệm Trụ Trì và lễ an vị tôn tượng Quán Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn…

 “Kính lạy Tăng – người thừa chí cả,

Thay Thế Tôn truyền bá đạo mầu

Tùy duyên hóa độ vô cầu

Làm Thầy hướng dẫn nhơn thiên thoát nàn.”

Một ngày mới bắt đầu cho buổi lễ tiếp đón Chư Tôn Thiền Đức và các Phật Tử về dự lễ bổ nhiệm Trụ Trì và lễ an vị tôn tượng Quán Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn…

 “Kiến thức nào hay chớ ẩn im

Cùng nhay phân giải được hay thêm

Một người thuyết muôn người thính

Một kẻ viết bài tất cả xem”

 

Phật Tử Thiện Minh

Nhân ngày Thầy nhận quyết định Bổ Nhiệm Trụ Trì Chùa Quan Âm

 6/4 năm Tân Mão – 2011

 

 

Lược Ý Hình Tượng Đức Phật Di Lặc Trong Ý Niệm Mùa Xuân Phật Giáo Bắc Truyền

Bình luận về bài viết này

Xuân là tương lai, Xuân đem đến cho nhân gian bao điều hy vọng, Xuân đem đến cho cuộc đời những ước nguyện ngày sau, Xuân là hoa, là nắng hồng ấm áp, là nụ cười, là sức sống mới vươn lên, xuân là tháng ngày bình yên và hạnh phúc, là thương yêu của vĩnh hằng gửi đến nhân gian. Cho nên thế gian khi xuân đến người người đều chào đón, vui như tết nên mở hội, nên đón Xuân.

Phật Giáo truyền đến Đông Phương như gió xuân đưa ấm nồng vào mùa đông rét buốt, tín ngưỡng Tịnh Độ của Phật Giáo Bắc Truyền như niềm hy vọng mới cho những dân tộc ảnh hưởng nền văn hóa lễ giáo Nho Gia. Trung Quốc từ thời Bàng cổ, Nghiêu, Thuấn, cho đến Hạ, Thương, Chu rồi Chiến Quốc, Xuân Thu, Tần, Hán. Việt Nam từ họ Hồng Bàng đến Hùng Vương, Âu Lạc. Đất nước luôn biến động, chiến tranh liên miên, xã hội loạn lạc, nhân dân đồ thán, không có lấy một ngày bình yên, Phật Giáo truyền vào Đông Phương làm cho tinh thần người nhân dân bản địa như có nơi nương tựa, Tín ngưỡng cầu sanh về Tịnh độ của Phật Giáo Bắc Truyền như cho nhân dân ở xứ sở này, có một niềm hy vọng mới và nơi ký thác cuộc đời mình về một thế giới yên bình và tốt đẹp hơn.

Nói đến Tịnh Độ mọi người liền nghĩ đến pháp môn Niệm Phật cầu sanh về cảnh giới Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà. Nhưng thật ra ngoài pháp môn niệm Phật vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ A Di Đà ra còn có Pháp Môn tu hành cầu sanh Tịnh Độ là Đâu Xuất Thiên Cung nơi có Đức Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật đang thuyết Pháp độ sanh và đợi đến ngày hạ sanh xuống trần gian thay thế cho Đức Phật Thích Ca làm Phật Giáo chủ cõi Ta Bà, giáo hóa chúng sanh.

Trong Kinh Di Lặc Thượng Sanh và Kinh Di Lặc Hạ Sanh đều có chép về Đức Di Lặc: “Đức Bồ Tát có họ là Di Lặc tên là Từ Thị, thuộc dòng dõi Bà La Môn, sau xuất gia làm đệ tử của Đức Thích Ca, trước khi Đức Thích Ca nhập diệt, sanh lên cung trời Đâu Xuất. Sau này khi Đức Thích Ca nhập diệt, trãi qua 56 ức 7000 vạn năm, Đức Di Lặc Bồ Tát từ thiên cung hạ sanh xuống phàm trần, tại vườn Hoa Lâm dưới cây Long Hoa thành Phật, giáo hóa giải thoát chúng sanh.”.

Trong Kinh Đại Thừa Tâm Địa Quán có đọan nói về Đức Di Lặc Bồ Tát rằng: “Di Lặc Bồ Tát Là con của Bậc Pháp Vương, từ khi phát tâm vì muốn kết duyên lành hóa độ hết thảy chúng sanh, nên không ăn thịt, vì nhân duyên đó mà có tên là Từ Thị. Đức Phật trong điện Như Ý có 49 tầng trên cung trời Đâu Xuất, ngày đêm thuyết Pháp bất thối, dùng vô số phương tiện độ trời người…tất cả những ai có duyên đều được độ..”.

Trong Kinh Phật Thuyết Từ Thị Bồ Tát Thệ Nguyện Đà La Ni chép: “Bấy giờ Bồ tát Từ Thị lại phát lời thệ nguyện. Sau này vào thời mạt pháp, nếu có chúng sanh nào, có thể đọc tụng thọ trì, cho đến những người túc nghiệp phải đọa vào A Tỳ địa ngục, khi tôi thành Phật, nguyện dùng Phật lực mà cứu ra khỏi địa ngục, còn thọ ký cho quả vị A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề.”

Đức Di Lặc Bồ Tát là vị đệ tử được Đức Phật truyền Y và thọ ký trong tương lai, kế thế ngôi vị của Đức Thích Ca Mâu Ni làm giáo chủ cõi Ta Bà. Trong Kinh Tăng Nhất A Hàm chép: “Thế Tôn bảo Ca Diếp không nên vội Niết Bàn, mà nên chờ Di Lặc ra đời..”. Trong sách Truyền Đăng Lục chương Thích Ca Mâu Ni Phật chép: “Đức Phật bảo ngài Ca Diếp: Ta đem Y Kim Lâu Tăng Già Lê này tuyền cho Ông, khi Phật Từ Thị ra đời, Ông nên truyền lại cho vị Phật đã được bổ xứ, chớ để làm cho hư nát…Ngài Ca Diếp đem y Tăng Già Lê vào núi Kê Túc nhập định chờ đức Di Lặc Từ Thị hạ sanh…”. Trong sách Tây Vực Ký Bộ Ma Kiệt Đà Quốc chép: “Phật dạy Ngài Ca Diếp: Nay ta vào Niết Bàn đem chư Pháp Tạng phú chúc cho ông…Y Kim Lâu Ca Sa do Di Mẫu cúng dường, ông nên giữ lại, truyền cho Từ Thị khi thành Phật…”.

Tín ngưỡng tu hành cầu sanh về Tịnh Độ của Phật Di Lặc là Đâu Xuất Thiên Cung, được truyền vào Đông phương khoảng thời Lưỡng Tấn Trung Quốc (T.L 310), Ngài Đạo An Đại Sư đời Đông Tấn (T.L.312-385) là người khởi xướng và hành trì Pháp môn cầu sanh Tịnh Độ của Phật Di Lặc, Ngài đã từng cùng đệ tử là Ngài Pháp Ngụ và tám người khác ở trước tượng của Đức Phật Di Lặc phát nguyện vãng sanh về Tịnh Độ Đâu Xuất Thiên Cung, Ngài còn trước tác và sớ giải các tác phẩm về Tịnh Độ Pháp Môn như “Vãng Sanh Luận” và “Tịnh Độ Luận”.

Từ đó tín ngưỡng Tịnh Độ của Phật Di Lặc được phổ biến trong dân gian. Đến đời Tống thuộc thời kỳ Nam Bắc Triều (T.L 431) niên hiệu Nguyên Gia thứ 8 có Tỳ Kheo Ni Đạo Quỳnh tạo rất nhiều hình tượng của Bồ Tát Di Lặc, thờ phụng ở khắp nơi, trong đó việc tạo hình tượng Phật Di Lặc tại chùa Ngõa Quan được sử sách ghi lại sớm nhất. Năm Thái Hòa thứ 22 (T.L 498) có Cao Sở tạo tượng Di Lặc ở Thạch quật Vân Cương. Năm Cảnh Minh 4 (T L503) có Tỳ Kheo Hệu Lạc tạo tượng Phật Di Lặc cầu nguyện cho Bắc Hải Vương Nguyên Tường.v.v.. qua đó chúng ta nhận thấy rằng tín ngưỡng Phật Di Lặc ở Đông Phương đến thế kỷ thứ 5 đã hòan toàn phổ biến và hưng thịnh.

Tín ngưỡng Tịnh Độ Phật Di Lặc được người dân bản địa Đông Phương chấp nhận một cách nhanh chóng, và sự phổ cập của tín ngưỡng này vào mọi tầng lớp trong dân gian một cách sâu rộng, một phần cũng do sự ảnh hưởng của xã hội và lịch sử lúc bấy giờ. Cuối đời nhà Hán đất nước Trung quốc chia ra làm 3 nước là Ngụy, Thục, Ngô, nước Việt Nam ta lúc bấy giờ thuộc quyền cai trị của nhà Đông Ngô gọi là Giao Châu. Sau đến nhà Lưỡng Tấn rồi Nam Bắc Triều, 10 nước. v.v… vương triều bao cuộc thay ngôi đổi chủ, đất nước mấy phen dựng lập rồi lại phế, chiến tranh liên miên, giặc dã nỗi dậy ở khắp nơi, thiên tai dịch bịnh hoành hành, dân chúng không có được ngày bình yên, cuộc sống trăm bề cơ cực, lòng người hoang mang không nơi gửi thác.

Thời kỳ đầu Tín ngưỡng Tịnh Độ Phật Di Lặc là “Di Lặc Thượng Sanh” cầu sanh lên Đâu Xuất thiên cung để nghe kinh giải thoát, sự ra đời của ý niệm này đem lại cho mọi người một niềm tin mới, một hy vọng về ngày mai tốt đẹp và an lành hơn. Vì vậy mọi người nương theo lời Phật dạy trong Kinh Di Lặc Thượng Sanh mà phát tâm quy ngưỡng Đức Di Lặc, trong Kinh Phật dạy: “Nếu như có người quy y Tam Bảo, thành tâm hướng thượng, đều có thể sanh sang thế giới Tịnh Độ của Đức Phật Di Lặc, trừ được 100 ức tội nghiệp của sanh tử…”

Nói về cảnh giới phước báo trang nghiêm cũng như thù thắng, trong kinh dạy: “Thế Giới Đâu Xuất có tám dòng nước lớn bằng lưu ly phóng ánh quang minh, trang trí cho mỗi dòng nước hai bên có 500 ức bảo châu hợp thành…ở bốn cổng vào hóa ra những hoa lớn, trên mỗi đóa hoa có 24 vị thiên nữ, thân hình đẹp đẽ vi diệu, vai trai bận áo hoa sen trang sức vô số anh lạc, vai phải đeo vô số nhạc khí, như mây giữa hư không, như dưới nước mà đi lên vậy. Nếu như ai được vãng sanh lên cỏi trời Đấu Xuất, tự nhiên đều được các vị thiên nữ hộ trì.. trong cảnh giới lạc viên thiên đàn Đức Phật Di Lặc vì nhơn thiên mà thuyết pháp đại thừa, giải hết phiền não khổ đâu cho mọi người..”

Tống hình tượng nhập thế của Đức Di Lặc Bồ Tát với nét đặc trưng một vị Thiền Sư bụng to, má sệ, nụ cười tươi như hoa nở, thể hiện đầy đủ tính chất tùy duyên của Phật Giáo Bắc Truyền được đản sanh, và rất mau chóng hòa nhập vào đời sống văn hóa truyền thống và tính ngưỡng dân gian của người Đông Phương cũng như Phật Giáo Bắc Truyền

Khi Tín ngưỡng Tịnh Độ của Đức Phật Di Lặc phát triển và phổ biến, thì tư tưởng “Di Lặc Hạ Sanh” bắc đầu hưng thạnh. Đến đời Bắc Ngụy thì tư tưởng “Di Lặc Hạ Sanh” hòan toàn thay thế cho tư tưởng “Di Lặc Thượng Sanh” của thời kỳ đầu. Tư tưởng Di Lặc hạ sanh xuống nhân gian dựa theo tin thần của Kinh Di Lặc Hạ Sanh và Kinh Pháp Diệt Tận. Trong Kinh Pháp Diệt Tận Phật dạy: “Di Lặc hạ sanh xuống thế gian làm Phật, thiên hạ thái bình, khí độc tiêu hết, mưa hòa gió thuận, ngũ cốc xanh tốt, cây cối tốt tươi. Dân chúng người người cao lớn đến 8 trượng, sống lâu đến 8 vạn 4000 tuổi. chúng sanh được Ngài độ, số không thể kể hết.” được mọi người đón nhận, vì tính chất gần với tư tưởng xây dựng cảnh giới Nhân Gian Tịnh Độ giữa cuộc đời khổ đau của Phật Giáo Bắc Truyền. đồng thời cũng thích hợp với lối tư duy “ Thế Ngoại Đào Viên” của các dân tộc Đông Phương chịu sự ảnh hưởng truyền thống văn hóa huyền học Đạo Gia.

Tín ngưỡng Tịnh Độ Phật Di Lặc, đi theo đó là sự xuất hiện phổ biến của hình tượng đức Phật Di Lặc trong sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo của Phật Giáo Bắc Truyền cũng như dân gian. Hình tượng Đức Phật Di Lặc được tạo căn cứ theo Kinh Di Lặc Hạ Sanh, hình tướng vô lượng trang nghiêm, ngồi trong tư thế hai chân giao nhau, từ bi diện mục, đây là hình tướng ban đầu của Bồ Tát Di Lặc trong nghệ thuật điêu khắc Phật tượng của Phật Giáo Bắc Truyền, thể loại hình tượng Bồ Tát ngồi hai chân giao nhau này, nay còn ở Động Đôn Hoàng. Đến đời Thạnh Đường tượng Bồ Tát Di Lặc xuất hiện thêm một hình tướng nữa, đó là tượng Bồ tát ngồi thả hai chân không còn giao nhau như những tượng Bồ Tát ban đầu. Đến đời Tống sự xuất hiện của Bố Đại Hòa Thượng, hình tượng Đức Di Lặc Bồ tát hoàn toàn được Đông Phương hóa, có hình dáng của một vị Hòa Thượng Thiền Sư của Phật Giáo Bắc Truyền, tùy duyên, tự tại, giai đại hoan hỷ.

Niềm tin có một ngày Đức Bồ Tát Di Lặc hạ sanh xuống nhân gian để hóa độ chúng sanh theo lời Phật dạy trong Kinh Di Lặc Hạ Sanh Thành Phật là tác nhân chính ung đúc cho hình tượng Bố Đại Hòa Thượng Di Lặc ra đời, đồng thời tinh thần hình tướng của Đức Di Lặc Bồ Tát được Kinh A Hàm quyển trung mô tả: “Hình tướng Di Lặc Bồ Tát thường không cố định, có thời là tướng Tỳ Kheo, có khi là tướng Bồ Tát…đôi khi còn có hình tướng của Bạch Y…” cùng với văn hóa Thiền Tông phát triển và thịnh hành vào thời Đường, Tống hình tượng nhập thế của Đức Di Lặc Bồ Tát với nét đặc trưng một vị Thiền Sư bụng to, má sệ, nụ cười tươi như hoa nở, thể hiện đầy đủ tính chất tùy duyên của Phật Giáo Bắc Truyền được đản sanh, và rất mau chóng hòa nhập vào đời sống văn hóa truyền thống và tính ngưỡng dân gian của người Đông Phương cũng như Phật Giáo Bắc Truyền.

Bố Đại Hòa Thượng là ai? vì sao được xưng là Bồ Tát Di Lặc? Trong sách “Cảnh Đức Truyền Đăng Lục” sách “Ngũ Đăng Hội Nguyên” sách “Minh Châu Cảm Ứng Đại Sư Bố Đại Hòa Thượng Truyện”. v.v… đều có ghi chép về sự tích của Ngài. Theo Sách Cảnh Đức Truyền Đăng Lục thời Tống (1004) chép: “Quê ở Minh Châu, huyện Phụng Hóa. Không ai rõ tên họ Ngài là gì, chỉ biết Ngài tự xưng mình là Khiết Thử, mọi người thường gọi là Bố Đại Hòa Thượng, nghĩa là Hòa Thượng Túi Vải.

Tướng người mập mạp, trán hẹp, bụng lớn. Nói năng vô định, ngủ thì tùy chỗ; thường dùng một cây gậy, quảy một cái túi vải, hễ ai cúng cho món gì, Ngài bỏ cả vào trong túi. Vào chợ, vào xóm, thấy cái gì là xin cái đó, bất kể cá ương hay rau thúi. Xin được, bỏ vào miệng; còn lại thì bỏ vào túi. Người thời bấy giờ gọi là “Trường Đinh Tử Bố Đại Sư”, tức là “ông sư túi vải cây đinh dài”.

Có lần Ngài nằm trong tuyết, mà tuyết không thấm ướt đến mình. Người ta thấy thế cho rằng Ngài là một nhân vật kỳ lạ. Nếu Ngài đến xin hàng bán của ai, hàng đó nhất định sẽ bán chạy. Trời sắp sửa mưa, chắc chắn người ta sẽ thấy Ngài mang đôi guốc gỗ đẫm ướt đi bương bã trên đường. Lúc trời hứa hẹn một ngày nắng ráo, người ta thấy Ngài treo cao đôi guốc gỗ trên cầu, nằm co chân mà ngủ. Cư dân lấy đó mà nghiệm thì có thể biết thời tiết sẽ tới. Cuộc đời Ngài để lại một số giai thoại đầy ẩn ngữ.

Một thầy Tăng đi phía trước Ngài. Ngài chạy tới vỗ vào lưng. Thầy Tăng quay đầu lại, Ngài nói: -Cho xin một quan tiền. Thầy Tăng trả lời: – Nói được thì tôi cho Ngài một quan tiền ngay. Ngài bỏ túi xuống, khoanh tay đứng.

Lần nọ, Hòa Thượng Bạch Lộc hỏi Ngài: – Túi Vải (Bố Đại) là thế nào? Ngài bỏ túi vải xuống. Hòa Thượng Bạch Lộc lại hỏi nữa: – Cái việc của túi vải là thế nào? Ngài quảy lên vai mà đi.

Lần khác, Hòa Thượng Tiên Bảo Phúc hỏi: – Chỗ cốt yếu của Phật Pháp là thế nào? Ngài bỏ túi vải xuống, khoanh tay đứng. Bảo Phúc nói: – Chỉ có vậy, hay có cái gì khác hơn nữa? Ngài liền quảy lên vai mà đi.

Có một lần Ngài đứng giữa ngã tư, một thầy Tăng hỏi: – Hòa Thượng làm gì ở đó? – Ngài đáp: – Đợi một người. – Đến rồi! Đến rồi!; – Ông không phải là người đó; – Ngài đó thế nào?; – Cho xin một quan tiền.

Đời Lương, niên hiệu Trinh Minh thứ hai, năm Bính Tý, tháng Ba , trước khi thị tịch, Ngài có nói bài kệ:

Di Lặc chân Di Lặc

Phân thân thiên bách ức

Thời thời thị thời nhơn

Thời nhơn tự bất thức

Di Lặc thật Di Lặc

Trăm nghìn ức hóa thân

Hiện thân chỉ cho người

Tự người đời không biết

Nói kệ xong, Ngài yên lành mà tịch. Về sau, ở châu khác, có người cũng thấy Ngài mang túi vải mà đi. Nhân đó, người ta mới tranh nhau vẽ tượng Ngài. Toàn thân của Ngài cho tới đời nhà Tống, còn được thấy tại chùa Nhạc Lâm.”. Với những kỳ tích và đạo hạnh cũng như Thiền tư của Ngài, cộng thêm bài kệ thị tịch, Bố Đại Hòa Thượng được Phật Giáo cũng như đại đa số quần chúng trong dân gian tín ngưỡng và lưu truyền, dần dần hình tượng của Ngài được Phật hóa thành hình tượng của Đức Phật Di Lặc trong tương lai, theo quan niệm truyền thống thần thánh dân gian Đông phương, cũng như tư tưởng “ Đại Thừa Ứng Thân” của Phật Giáo Bắc Truyền.

Hình tượng của Đức Phật Di Lặc hoàn toàn được Đông Phương hóa qua hình tướng của Bố Đại Hòa Thượng là điểm cuối cùng của quá trình Đông Phương hóa hình tượng Di Lặc Bồ Tát, vì trước Bồ Đại Hòa Thượng từ nhận mình là hóa thân của Bồ Tát Từ Thị, thì cũng rất là nhiều nhân vật nổi tiếng của Phật Giáo Bắc Truyền cũng tự nhận mình là hóa thân của Bồ Tát Di Lặc như Tống Tử Hiền đời Tùy và Võ Tắc Thiên đời Đường. Qua hiện tượng này thể hiện rõ sự trưởng thành và phát triển mạnh mẽ của Phật Giáo Bắc Truyền về hình tướng cũng như triết lý, hàm ý tính chất độc lập, lập tông của tư tưởng “Tức Tâm Tức Phật” của Thiền Gia và làm sáng ngôn luận “Tâm Phật Chúng Sanh, tam vô sai biệt”.

Tinh Thần “Thánh Phàm Bình Đẳng” của Đại Thừa Bắc Truyền Phật Giáo được thể hiện hết sức sinh động qua hình tượng của Phật Di Lặc Bố Đại Hòa Thượng. Đức Bồ Tát Di Lặc nơi Thiên Cung, với 32 tướng cụ túc, 80 vẽ đẹp trang nghiêm, nhưng khi ứng thân vào đời bằng hình hài của một vị Hòa Thượng mật mạp, bụng to, áo quần xốc sết, nhưng miệng thì luôn điểm một nụ cười, làm cho mọi người đều có thể gần gủi và thân mật. Đại Thừa là thế vì muốn đem đạo vào đời, vì người là Phật, Phật cũng là người nên đâu có cách ngăn.

Lại nữa Bố Đại Hòa Thượng Ngài thường chỉ vào cái bao chứa hết thảy những gì xin được của mình bất cứ là dơ hay sạch của mình mà nói: “ Đây là Nội Viện của Di Lặc” chỉ cho ta một hàm ý nội viện của Bồ Tát Di Lặc ở cung Đâu Xuất Đà cũng không khác gì với cõi Ta Bà ở trần thế, bất cứ như nơi nào nếu như “không còn thấy dơ sạch hay ô nhiễm nữa đó là Tây Phương, không khổ não không ưu phiền đúng là Tịnh Độ” tư tưởng “Nhất Trần Bất Nhiễm” của Đại Thừa Viên Đốn như viên mãn ở nơi đây.

Hoan hỷ lạc quan là cốt cách của một con người luôn hướng đến tương lai, và tin vào một ngày mai tốt đẹp, đây là tinh thần cốt lõi của Phật Giáo Đại Thừa khi nói về tương lai

Đại Thừa Bồ Tát Đạo lấy Lục Độ Ba La Mật làm tiêu tướng để tu hành, Nhẫn nhục là Pháp tu không thể thiếu, tinh thần nhẫn nhục của Phật Giáo Đại Thừa vô cùng vô tận cho nên bụng của Bố Đại Hòa Thượng là to nhất trong lục căn, vì vậy người đời khi viết đối liễn tán thán Đức Phật Di Lặc không bao giờ họ quên tán thán cái bụng của Ngài “Đại tu năng dung, dung thiên hạ nan dung chi sự” bụng lớn chứa hết, những gì đời không thể chứa được. Hay là “ Đại Tu Năng dung, dung thiên dung đia, vu sự hữu hà bất dung” bụng to chứa hết, chứa trời chứa đất, không có việc gì mà không thể chứa. 

Bồ Tát nhẫn nhục, nhẫn những điều mà chúng sanh không nhẫn được, nhẫn không phải vì mình vô năng hay khiếp nhược, mà nhẫn trong tình thương từ bi vô hạn của Phật, Nhẫn trong tính vô úy hòa diệu của chí khí trượng phu. Kiến giải không đồng, tâm lượng sai khác, lòng từ tế độ quần sanh, nên người có chí Đại Thừa cần một tâm lượng rộng lớn mói có thể độ sanh, cho nên trong văn hóa của người Đông Phương có câu “Hải nạp bách xuyên” biển lớn chứa hết nước của trăm sông. “Đại Thừa Pháp Hải” cũng như thế nên bụng của Đức Phật trong tương lai cần nên lớn như thế.

Khi con người bỏ xác thân để trở thành quá khứ, thì Đạo Phật tất cả quá khứ là nguồn cội của tương lai, nên Đức Di Đà mới tiếp dẫn chúng sinh về một tương lai mới, mà lúc nào cảnh giới mới mà Phật Giáo đưa ra cũng tốt đẹp hơn trước.

Trong cảnh giới hiện sinh thì Đức Phật Di Lặc của tương lai luôn mĩm cười, nụ cười của Đức Di Lặc, cười buôn bỏ hết tất cả phiền muộn, cười để lạc quan hơn trong cuộc đời lắm nỗi trái ngang. Cười để hiểu đang chờ ta là một tương lai vô cùng tốt đẹp, vì thế nên Đức Di Lặc luôn tươi cười để an ủi nhân sinh. Nụ cười của Đức Di Lặc được ví như mùa xuân hay những gì vui nhất, nếu cười được như Ngài thì ngày thành Phật không xa, cho nên câu đối nào nói về Ngài mọi người đều không quên nhắc về nụ cười của Ngài “Khai Khẩu tiện tiếu, tiếu cổ kim, phàm sự phó chi tiếu”mở miệng tươi cười, cười chuyện xưa nay, mọi việc chỉ cần cười là xong hết. Hay câu “Khai khẩu tiện tiếu, tiếu thế gian khả tiếu chi nhân” mở miệng tươi cười, cười thế gian sao nhiều người đáng cười.

Nụ cười của Đức Di Lặc, cười buôn bỏ hết tất cả phiền muộn, cười để lạc quan hơn trong cuộc đời lắm nỗi trái ngang

Hình tượng Bố Đại Hoà Thượng là hiện thân của Đức Bồ Tát Di Lặc được tôn thờ trong dân gian bắt đầu từ đời Tống được lưu truyền rộng rãi, chính thức được tôn thờ trong tự viện Phật Giáo Bắc Truyền, cũng như được Tăng lữ Phật Giáo Bắc truyền chính thức công nhận phải đến thời nhà Minh, theo sách Pháp Uyển Đàm Tùng và sách Trung Quốc Phật Giáo Mạn Đàm cũng như sách Đế Vương Dử Phật Giáo đều cho rằng vào cuối thời nhà Nguyên những cuộc khởi nghĩa của nông dân Trung Quốc chống lại triều đình nổi dậy khắp nơi, trong đó có nhiều cuộc khởi nghĩa lấy hiệu triệu thiết lập một “Thế giới mới”.

Bấy giờ ở Phụng Hóa quê hương của Bố Đại Hòa Thượng xuất hiện một đạo mới Di Lặc Giáo và đạo này với khẩu hiệu “Tân Phật xuất thế, trừ khử chúng ma” làm khẩu hiệu, hiệu triệu nông dân đứng lên khởi nghĩa chống lại nhà Nguyên Mông. Sau khi cuộc khởi nghĩa nông dân dưới sự lãnh đạo của Chu Nguyên Chương thành công lập nên nhà Minh, vì là người xuất thân từ chùa nên triều đình nhà Minh ra lịnh tất cả các tự viện trong toàn quốc, trong Thiên Vương điện thờ Đức Phật Di Lặc đều phải dùng đức tướng của Bố Đại Hòa Thượng là hóa thân Phật để phụng thờ, từ đó hình tượng Bố Đại Hòa Thượng thay thế cho hình tượng của Bồ Tát Di Lặc trong tự viện Phật Giáo Bắc Truyền và được Tăng Tín Đồ Phật Giáo chính thức công nhận hình tượng Bố Đại Hòa Thượng là hóa thân của Bồ Tát Di Lặc.

Đức Phật Di Lặc, Phật của tương lai theo tin thần của Kinh Pháp Diệt Tận Phật dạy: “Di Lặc hạ sanh xuống thế gian làm Phật, thiên hạ thái bình, khí độc tiêu hết, mưa hòa gió thuận, ngũ cốc xanh tốt, cây cối tốt tươi. Dân chúng người người cao lớn đến 8 trượng, sống lâu đến 8 vạn 4000 tuổi. chúng sanh được ngài độ, số không thể kể hết.” chính vì nguyên nhân, mà tín đồ của Di Lặc Giáo cho rằng mùa Xuân là sự khởi đầu cho một năm mới, một hy vọng mới, một tương lai mới ước vọng một thế giới mới, cho nên lấy ngày mùng một tết là ngày vía của Đức Phật Di Lặc. Với những ý nghĩa như vậy nên mùa xuân của Đức Di Lặc ra đời và lưu truyền rông rãi trong dân gian, được mọi người đón nhận.

Trãi qua thời gian vì tính chất gần với tư tưởng xây dựng cảnh giới Nhân Gian Tịnh Độ giữa cuộc đời khổ đau của Phật Giáo Bắc Truyền. đồng thời cũng thích hợp với lối tư duy “Thế Ngoại Đào Viên” của các dân tộc Đông Phương chịu sự ảnh hưởng truyền thống văn hóa huyền học Đạo Gia, nên ngày xuân đến mọi người vui xuân cùng trời đất, đồng thời cũng vui xuân trong tâm niệm đón chờ ngày Đức Phật Di Lặc xuống trần cứu độ và hy vọng của một thế giới mới tốt đẹp hơn xuất hiện trên cõi đời “ Tịnh Độ Trong Thế Gian”, cho nên ngày xuân trở thành ngày tết quan trọng trong Phật Giáo Bắc Truyền.

Thích Tâm Mãn

Nhân Duyên Khai Mở Đạo Tràng Đại Bi

Bình luận về bài viết này

Qua cơn bệnh thì đôi mắt Ni Sư Trụ Trì đã tắt dần ánh sáng. Quá đau khổ trước bệnh chướng nặng nề, Ni Sư có ý định tìm đến cái chết. May mắn thay, được Thầy Phật Đạo từ bên Pháp gửi về một bài thuyết giảng của Đức Đạt Lai Lạt Ma nói về sự vi diệu mầu nhiệm của thần chú Đại Bi. Ni Sư nguyện hành trì, dần dần đôi mắt sáng lại. Ni Sư thấy rõ sự huyền diệu của Thần …Chú Đại Bi, cùng oai thần lực của Bồ Tát Quán Thế Âm. Ngài là Người Mẹ Hiền dang bàn tay từ bi rộng lớn cứu khổ cứu nạn những chúng sanh đang đau khổ ở thế gian. Ôi ! Không còn bút mực nào tả hết lòng từ bi bao la của một vị Bồ Tát; Cổ Phật Chánh Pháp Minh Như Lai. Ngài là vầng trăng sáng, là năng lượng mặt trời, là con thuyền thanh lương đưa chúng sanh lên bờ giải thoát. “Dù lấy nước biển khơi làm mực Lấy cây rừng làm bút viết văn Luận đề như cát sông Hằng Cũng không nói hết ý trăng dịu hiền” Thật vậy, ai có tắm mình trong biển Đại Bi mới cảm nhận được nguồn năng lượng, tình thương của Bồ Tát ban cho. Vì thế Ni Sư quyết định mở Đạo Tràng Đại Bi để giải nạn, giải nghiệp cho Phật Tử đang bị những cơn bão tố của cuộc đời. Lúc đầu chỉ có năm tới mười người, từ từ Đạo Tràng ngày càng đông đảo. Đến nay đã có hơn bốn đến năm trăm người. Ni Sư đã đem nhạc vào đạo, lồng những bài ca rất ý nghĩa vào khóa lễ, làm cho Đạo Tràng càng thêm trang trọng, sinh động, khiến cho người hành trì mãi không biết chán. Lời xưng tán chú Đại Bi có một thần lực vô song bất khả thuyết, bất khả tư nghì. “Ngàn mắt ngàn tay sức lực thần… Oai đức từ bi tỏa sáng ngần.” Bài ca Mẹ Từ Bi là lời nguyện cầu tha thiết đến Bồ Tát Quán Thế Âm. “Chiến tranh đau đớn cuộc đời. Bão going mây nước ngập trời. Con xin Mẹ Từ Bi xót thương cứu độ trần gian.” Sau đó, Đạo Tràng thành lập Ban Từ Thiện Đại Bi Tâm. Ni Sư giáo hóa Phật Tử biết thương yêu, biết chia sẻ nỗi khổ niềm đau của đồng bào bị thiên tai thảm khốc. Từ năm 2000 đến nay Ban Từ Thiện mang hạnh nguyện cứu khổ của Quán Âm chẳng quản gian nan, chẳng từ khổ nhọc; đi đến vùng sâu vùng xa ủy lạo giúp đỡ những tâm hồn đau khổ, sống trong màn trời chiếu đất. Ni Sư hướng dẫn Phật Tử đến các Trung Tâm chữu bệnh cai nghiện. Một phút lỡ lầm mà các em vướng vào vòng ma túy. Các em bị gia đình, xã hội cô lập. TP.HCM đem các em đến trường trại cách ly chữa trị. Ni Sư kêu gọi lòng hoan hỷ vị tha mà đến thăm tặng quà, an ủi dạy lời Phật ngôn để các em được thức tỉnh, phục hồi nhân phẩm, tái tạo nhân sinh.
 

Biểu tượng chính thức của Đạo Tràng Đại Bi

Năm 2008, thấy sự nhiệm màu của thần chú Đại Bi, ĐĐ. Thích Thiện Từ phát nguyện hướng dẫn Đạo Tràng Đại Bi đến các bổn tự, đi khắp nơi từ miền Tây, Trung, Bắc, Cao Nguyên. Bất cứ chùa nào ở vùng sâu vùng xa nghĩ đến Đạo Tràng mà thỉnh cầu, Thầy Từ và Phật Tử cũng không từ chối. Từ các cụ già cho đến các em thanh niên nam nữ cũng đi theo trì chú. Bao nhiêu chặng đường gian khổ trải qua, Đạo Tràng được Bồ Tát Quán Âm, Long Thiên Hộ Pháp gia hộ. Đến chùa nào cũng đem niềm vui an lạc cho nơi đó. Một năm trôi qua, Đạo Tràng đã hoàn thành 108 ngôi Tam Bảo, từ Nam ra Bắc gần như khắp mọi miền đất nước. Đến nay, hạnh nguyện đã thành tựu viên mãn. Ánh đuốc Đại Bi đã tỏa sáng muôn nơi. Hiện nay có rất nhiều chùa mở Đạo Tràng hành trì chú Đại Bi. Tôi mong sao mọi người đều thực hành chú Đại Bi để nguyện cầu cho nhân loại tránh đi những nghiệp quả chết chóc do thiên tai, địa ách, tai nạn tật bệnh hiểm nghèo. Người người biết thương nhau, thế giới không còn chiến tranh thù hận. Biến cõi Ta Bà này trở thành Cực Lạc an vui.

THÍCH NỮ LỆ ĐĂNG – Châu An ngày 10/10 Kỉ Sửu